Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTruyền ThôngBài Viết Về Nguyễn Mộng GiácSông Côn Mùa Lũ - Cái nhìn tiểu thuyết về thời Tây...

Sông Côn Mùa Lũ – Cái nhìn tiểu thuyết về thời Tây Sơn

Trong cái bộn bề, phức tạp, đa chiều của cuộc sống đời thường thời hậu chiến. Bức tranh văn học được mở rộng đề tài, phạm vi phản ánh. Con người có xu hướng trở lại chính mình, đối mặt với bản thể để nhận chân cuộc sống, nhận chân hiện thực, nhìn lại cái hôm qua để thấu hiểu để lí giải để nhận thức sâu hơn hiện thực ngày hôm nay. Có lẽ đó là lí do tiểu thuyết lịch sử ngày càng được khẳng định và gặt hái những thành công đáng kể. Trong dòng chảy ấy có thể kể đến Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, một tác phẩm đóng vai trò không nhỏ trong việc minh định đặc trưng thể loại. Tác phẩm được xuất bản lần 1 năm 1991 tại Califonia (Mỹ) lần 2 năm 1998 tại Việt Nam do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Sông Côn mùa lũ là một sự thể hiện mới, luận giải mới, nhìn nhận mới về phong trào Tây Sơn và người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ dưới góc nhìn tiểu thuyết. Không chọn lối viết theo kiểu giải thiêng như Nguyễn Huy Thiệp (Phẩm tiết); không gai góc, bạo liệt như Trần Vũ (Mùa mưa gai sắc); không đao to theo kiểu luận đề như Nam Dao (Gió lửa). Nguyễn Mộng Giác chọn cho mình một lối viết riêng chân phương giản dị nhưng đặc biệt tinh tế sâu sắc. Sâu sắc trong cách nhìn nhận, thể hiện, sâu sắc trong cách lí giải và nhất là sâu sắc trong việc khám phá đời sống nội tâm: những trở trăn, những thôi thúc, những giằng xé bên trong của con người trước, trong và sau mỗi sự kiện lịch sử; đó là chất người trong mỗi con người, là giá trị nhân bản sâu xa của tác phẩm.

 

1. Nguyễn Mộng Giác không đi sâu phẩm chất của người anh hùng, không chú trọng tái dựng sự kiện lịch sử (theo cách mà nhiều người vẫn làm), mà cái chính là lí giải căn nguyên để có những phẩm chất, những sự kiện ấy. Bởi vậy tác giả đã dành một số lượng lớn trang viết về thời kì khởi nghiệp, về những gian nan, vấp váp, khó khăn buổi đầu, về những tháng ngày khởi nguồn ở Tây Sơn Thượng, về những bài học đầu tiên cậu bé 15 tuổi Nguyễn Huệ được thầy giáo Hiến nhen lên lòng hoài nghi, ngờ vực những điều có sẵn, về những thôi thúc, xô đẩy của hoàn cảnh đưa đến bước “chẳng đặng đừng”…

 

Ở vào hoàn cảnh kinh tế và xã hội Nam Hà hậu bán thế kỷ 18, so với miền Thuận Hóa già cỗi và vùng Gia Định thưa thớt, rõ ràng trung tâm của lịch sử đã chuyển về xứ Quảng Nam, và quyền làm lịch sử đã thuộc về những người chân đất… và Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ là những cá nhân ở đúng vào vị trí vươn lên của một thế lực mới… Tình thế đẩy họ tiến lên, đám đông thúc họ đứng dậy. Và khi họ đã đứng lên tiến tới, thì hào quang trí tuệ và tài thao lược của họ đã lôi cuốn đám đông, góp gió thành bão để quật ngã mọi trở lực… (T 279).

Đặt nhân vật trong những mối ràng buộc riêng tư cá nhân để soi sáng, để xét đoán, để khám phá một cách rõ nhất, sâu nhất, thuyết phục nhất về mọi khía cạnh của người anh hùng (Nguyễn Huệ trong mối quan hệ với giáo Hiến, với An, với Nhạc, với Lãng, với anh em, với dân chúng…) từ đó bật lên một con người rất gần gũi đời thường nhưng vẫn không mất đi phần vĩ đại. Một Nguyễn Huệ vẫn lừng lẫy với bao chiến công, lí tưởng, hoài bão nhưng trên hết là một con người đúng với chiều kích của nó: đầy nghĩa tình, thường nhật với bao nỗi niềm, ưu tư, xúc cảm. Một Nguyễn Huệ rất mực hiếu nghĩa với thầy giáo cũ, nâng niu ấp ủ tình yêu thuần khiết thanh cao suốt cuộc đời với An, nhẹ nhàng tình cảm những lúc bên Lãng, một Nguyễn Huệ đầy trở trăn trước những quyết sách lịch sử, và đôi lúc cũng có những giây phút yếu lòng cô đơn:

Ông phải lựa chọn, đúng ra là phải thuận theo cái đà chẳng đặng đừng của thế cuộc. Ngọn đèn bên ông mờ dần. Đêm đã khuya. Căn phòng trống trải lạnh lẽo. Nguyễn Huệ chưa bao giờ cảm thấy cô đơn như vậy! Trước khi quyết định một việc liên hệ đến sinh mệnh bao nhiêu vạn người, đảo lộn cả lịch sử, xáo động cả tình ruột thịt, rung động cả lòng người, ông lại cảm thấy cô đơn và yếu đuối… (T 947).

Tác giả đã rất dụng công đi sâu vào thế giới bên trong của người anh hùng, đi sâu vào phía bên kia của những chiến công, khi nhân vật được khúc xạ ở những cảnh huống hết sức thường nhật để rồi nhận ra nhiều lúc họ cũng là những thân phận chịu những áp lực của đời thường (Huệ thích An nhưng phải lấy người khác theo sự sắp đặt của anh vì mục đích chính trị, muốn thống nhất lãnh thổ nhưng không thể vượt được ràng buộc của tình anh em…). Những trăn trở, những nghĩ suy, những giằng xé, những khổ đau…, tất cả đều được chuyển tải bằng một khả năng cảm nhận tinh tế tài tình.

2. Thế giới nhân vật trong tác phẩm thật đa dạng độc đáo. Một tuyến nhân vật đời thường vô danh do tác giả sáng tạo lồng vào tuyến nhân vật lịch sử đưa lại một không khí dân chủ đời thường như cuộc sống đang chảy trôi. Nhân vật được cá tính hóa cao độ, từ nhân vật lịch sử đến nhân vật đời thường, tất cả đều độc đáo ấn tượng. Một Nguyễn Nhạc thủ đoạn, sắc sảo, kinh nghiệm và đầy quyền biến; một Nguyễn Huệ tự tin, dũng mãnh, quyết đoán trong chiến sự, nhạy bén sáng suốt trên chính trường, sâu sắc lãng mạn trong tình cảm; một Nguyễn Hữu Chỉnh cơ hội, láu cá, ma mãnh; một Lãng nghệ sĩ mơ mộng suốt đời theo đuổi những điều lí tưởng viển vông; một Chinh thích bạo lực và cuối cùng chết vì bạo lực; một Lợi bon chen, tủn mủn, ba hoa; một An thông minh nhân hậu lãng mạn nhưng rất mạnh mẽ nghị lực; một giáo Hiến đầy bi kịch… Mỗi nhân vật đều mang một thế giới tâm trạng phức tạp đầy biện chứng. Với phương thức xây dựng nhân vật chủ yếu bằng thủ pháp độc thoại nội tâm, tập trung đi sâu thế giới bên trong, nhân vật trong Sông Côn mùa lũ thực sự đã được tiểu thuyết hóa, thực sự trở thành những “sự sống đích thực của Bản Ngã”, đó không còn là những con người lịch sử chỉ biết hành động theo trách nhiệm bổn phận mà đã trở về với Bản Ngã, con người đời thường với bao suy tư, trở trăn, đa mang trước cuộc đời, trước những biến thiên của thời đại. Các nhân vật đã được trao sự sống đúng nghĩa chứ không phải đã sống như trong lịch sử. Bởi vậy nhân vật ở đây không hề đơn giản, một chiều mà thực sự là những khối mâu thuẫn phức tạp, thậm chí trái chiều (giáo Hiến).Tiếp cận tác phẩm là mở ra trước mắt người đọc thế giới sinh động của cảm xúc, của tiếng lòng, của tâm tư sâu thẳm.

Kiểu nhân vật đám đông cũng là một thành công của tác phẩm (dân chúng, binh lính). Nỗi niềm của người vợ trẻ khi đón chồng từ chiến trường trở về, tâm trạng của bà cụ già khi hay tin chiến sự, niềm hân hoan của những lính Thuận Hóa lần đầu đánh giặc xa nhà… Những câu chuyện bên lề chiến sự gắn với những số phận nhỏ nhoi, bình dị ấy lại giúp người đọc có cái nhìn sâu hơn, nhân bản hơn về hiện thực, về chiến tranh.

3. Về vấn đề người kể chuyện và giọng điệu trong tác phẩm. Sông Côn mùa lũ thuộc loại truyện kể ở ngôi thứ ba. Ở đây có sự kết hợp nhiều gương mặt của người kể chuyện, có khi người kể chuyện trong vai trò là người thứ ba biết tuốt (kể theo điểm nhìn chính mình), có khi người kể chuyện hóa thân vào nhân vật (kể theo điểm nhìn nhân vật) tạo nên sự di động điểm nhìn và luân phiên trần thuật. Nhờ thế câu chuyện được kể khách quan, thật hơn và đưa lại cảm giác người đọc đang chứng kiến chứ không phải nghe kể, điều này tạo được hiệu ứng tham gia ở người đọc. Với sự di động điểm nhìn trần thuật, từ người kể chuyện toàn năng đến người kể chuyện là nhân vật, trọng tâm là tiêu điểm bên trong, tác giả đã đi sâu khám phá ở tầng sâu nhất bản thể con người, con người thực đằng sau con người lịch sử: những trăn trở những băn khoăn, cả những đau đớn hoài nghi thậm chí cô đơn bi kịch.

Tâm trạng Nguyễn Huệ trước lúc quyết định đánh Nguyễn Nhạc: Chưa bao giờ Nguyễn Huệ cảm thấy cô đơn như vậy! Ông thức trắng nhiều đêm. Một mình không thể nói chuyện u uẩn với ai… Những người thân thiết với ông đều hiểu ông đang lâm vào cảnh huống khó xử, tiến thoái lưỡng nan. Quyết định của ông sẽ làm đảo lộn tất cả cục diện lịch sử, làm náo động dư luận. Nhiều người thân thuộc sẽ trở thành tử thù… Miệng thế mặc sức mà đàm tiếu cười cợt. Cái chén thuốc đắng đó chính ông phải uống. Không thể sợ hãi, không thể nhắm mắt chạy trốn để đổ vấy cho ai khác. Dù tự tin bao nhiêu đi nữa, ở vào giờ phút quyết định này, tay ông vẫn run rẩy. Gánh nặng của trách nhiệm khiến ông ngột thở, và chua chát (T 1132).

Nhờ vậy sự kiện và con người lịch sử được rọi chiếu nhiều mặt hơn, cách nhìn nhận và đánh giá đa chiều, phức tạp hơn, mở ra những hướng tiếp cận lịch sử mới.

Đặc biệt chính sự dịch chuyển điểm nhìn này tạo nên hệ quả đa giọng điệu trần thuật, một điểm lí thú đặc biệt của tác phẩm: giọng triết lí khách quan, giọng trữ tình, giọng mỉa mai… nhưng nổi bật hơn cả là giọng hoài nghi cật vấn.

Tâm trạng của ông giáo khi chứng kiến cuộc sống ô hợp ở Tây Sơn Thượng: Nếu ở vào hoàn cảnh của họ, ông sẽ làm gì với mở lí thuyết trung quân của ông? Ông có dám làm những điều họ đã làm không, và nếu không làm như họ, ông có tìm được giải pháp nào khác vừa bảo toàn được sự sống, vừa không động chạm mảy may đến những nguyên tắc đức lí học thuộc từ buổi khai tâm?… (T 143).

Lịch sử ở đây không phải là những điều đã khép kín, đã hoàn kết mà nó vẫn đang mở ra trường đối thoại với người đọc (Kunđơra: tiểu thuyết là cái hiền minh của sự lưỡng lự). Người kể chuyện thường đặt nhân vật ở trạng thái lưỡng khả, hồ nghi, luôn đưa ra câu hỏi tại sao…, luôn có nhu cầu tự tìm hiểu, lí giải tạo nên một kiểu trần thuật với nhiều giả thuyết, lôi kéo người đọc nhập cuộc.

Ngay cả Nguyễn Huệ, người luôn tự tin quyết đoán cũng có lúc hoài nghi… Kiểu giọng điệu đó phù hợp với tinh thần “luôn luôn có sự nhận thức lại, đánh giá lại mọi thứ” (M. Bakhtin). Có thể ở một phương diện nào đó giọng hoài nghi bộc lộ tâm lí thất vọng nhưng rõ ràng chính điều này mở ra một kiểu trần thuật “không biết tuốt” ở người kể chuyện, người kể chuyện không muốn đứng cao hơn bạn đọc. Như vậy lịch sử vẫn cần được nhận thức lại. Nhà phê bình văn học Hoài Nam trên VietNamnet (Bài Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam: Truyện kể hay tiểu thuyết?) cho rằng: tiểu thuyết mang sứ mệnh nghi ngờ cái tưởng như đã ổn định, tra vấn đến cùng những chân lí có sẵn. Vì thế khi tiếp cận với những thời đại quá khứ và lấy đó làm chất liệu cho tác phẩm của mình, một tiểu thuyết gia đích thực là tiểu thuyết gia phải là người đặt câu hỏi phản biện trước / với lịch sử. Có thể nói với giọng điệu trần thuật này Sông Côn mùa lũ phần nào đã làm được điều đó.

4. Phương thức trần thuật cũng có nhiều điều đặc biệt: Có thể kể đến như hiện tượng người trần thuật có lúc bỏ địa hạt trần thuật khách quan (bước ra khỏi thế giới của tiểu thuyết) đưa ý kiến riêng của mình nhận định lại sự kiện lịch sử với giọng điệu tranh luận gay gắt, về sự kiện đánh Gia Định lần 3 của Nguyễn Huệ chẳng hạn, người trần thuật thẳng thắn phê phán sử quan triều Nguyễn cố tình bóp méo sự thật để vớt vát danh dự cho Nguyễn Ánh, sự kiện Nhạc – Huệ đánh nhau, người trần thuật cho rằng trách nhiệm thuộc về Nguyễn Huệ; cách tranh luận này tạo tính dân chủ, lịch sử trở nên gần gũi rõ ràng hơn.

Lỗi về ai? Các sử quan nhà Nguyễn, lạ lùng thay, đã đổ hết trách nhiệm lên đầu Nguyễn Nhạc… Những người chép sử Bắc Hà thì lại đổ lỗi cho Nguyễn Huệ… Nhưng nếu xét kỹ càng hơn bằng lối đặt ngược vấn đề: Giả sử sau khi ở Thăng Long về, Nguyễn Huệ ngoan ngoãn vâng theo lệnh vua anh… thì liệu cái cơ thống nhất có thành tựu được không?… Dự đoán những khả thể của lịch sử là việc liều lĩnh. Nhưng nếu dám liều thì có thể đoán được như sau: … Như vậy thì làm gì có thống nhất xứ sở?… phải xem biến cố “nồi da xáo thịt” là một điều chẳng đặng đừng” để tiến tới viễn tượng thống nhất. Không nên đỗ lỗi cho Nguyễn Nhạc “dâm, bạo” như sử quan triều Nguyễn (T1131, 1132).

Truyện được kể chủ yếu ở ngôi thứ ba (theo điểm nhìn chính mình hay điểm nhìn nhân vật), nhưng thỉnh thoảng có hiện tượng nhân vật trần thuật xưng tôi, trần thuật theo lối ghi nhật kí. Đây cũng là điểm đặc biệt cần nói ở Sông Côn mùa lũ. Những chiến công, những thắng lợi lớn không được trần thuật tỉ mỉ, kỹ càng theo những bước tiến vốn có mà chỉ được điểm lược qua ghi chép mang tính chủ quan cá nhân của nhân vật Lãng, điều này cho phép nhân vật thoải mái trong cảm nhận, trong cách lí giải, trong việc bộc lộ cảm xúc và cả những hoài nghi của bản thân, có lẽ đó cũng là lối đi riêng của tác giả.

Hiện tượng chêm xen những mẩu chuyện nhỏ hài hước dí dỏm, đời thường của đám lính xa nhà cũng là một điều lí thú, người đọc có cảm giác được sống thật hơn với hiện thực được kể và tạo sự biến chuyển linh hoạt trong giọng điệu trần thuật .

5. Điểm nhìn trần thuật thường gắn với quan niệm của nhà văn. Theo M. Bakhtin người đọc có thể đoán được âm sắc tác giả qua đối tượng của câu chuyện kể cũng như chính câu chuyện và hình tượng người kể chuyện bộc lộ trong quá trình kể. Có nghĩa ở người kể chuyện khúc xạ bóng dáng và quan điểm của tác giả, thể hiện ở “điểm nhìn”, “tầm nhận thức”, ở thái độ của người kể chuyện đối với thế giới câu chuyện được kể lại. Đương nhiên không phải hoàn toàn trùng khít bởi người kể chuyện cũng là một hình tượng ít nhiều tồn tại độc lập, ở đó vừa có thái độ chủ quan thừa hưởng ở tác giả, vừa mang một phần nội dung khách quan của thế giới được phản ánh vào tác phẩm. Làm rõ điều này ta sẽ thấy được ý nghĩa thông điệp rõ nét trong Sông Côn mùa lũ, tác phẩm viết về một thời nhưng ý nghĩa mọi thời, trong đó có thời tác giả sống (giai đoạn viết 1978-1981).

Đọc kỹ tác phẩm thấy rõ một điều điểm nhìn của người kể chuyện xoáy sâu vào những người dân bình thường, những thân phận nhỏ nhoi chịu đựng áp lực nặng nề của chiến tranh và tâm trạng trí thức thời loạn, những người nhạy cảm nhất trước những vấn nạn chính trị chứ không phải tô đậm những chiến công, có nghĩa điểm nhìn không chỉ dừng lại ở sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử mà quan trọng hơn là đời sống dân chúng, những người trực tiếp hay gián tiếp chịu sự tác động của lịch sử, đi sâu tâm trạng của họ trước, sau mỗi biến cố lớn của thời đại, trong đó có tâm trạng trí thức thời loạn để từ đó thấy được nỗi niềm chung của con người trong và sau chiến tranh của bất cứ thời tao loạn nào. Đặc biệt ở phần Kết từ (dấu vết cả một thời loạn ly). Càng đọc, càng ngẩm nghĩ càng xót xa, hóa ra đằng sau những chiến công không phải lúc nào cũng nụ cười, cũng niềm vui. Nhân vật Lãng (ngoài người kể chuyện có lẽ nhân vật này thể hiện rõ nhất bóng dáng tác giả) thuộc típ người mẫn cảm, trung thực, luôn hướng đến những điều lí tưởng thuần khiết, là người bạn người thư kí trung thành gần gũi của Huệ, luôn gắn với những chiến công nhưng rồi chính anh lại chẳng nhận được điều gì từ niềm vui chiến thắng, trở thành người vô gia cư, người thừa. Say mê Chiếu khuyến nông nhưng chính Chiếu khuyến nông lại đẩy anh vào hạng du thử du thực. Hóa ra giữa lí tưởng và hiện thực, giữa cái vĩ đại và cái thường ngày đôi khi còn khoảng cách khá xa. Dẫu rằng nhân vật vẫn một lòng tin tưởng, ngưởng mộ Huệ, vẫn một lòng hướng về lí tưởng nhưng cái kết cục của nó vẫn gợi nhiều ngậm ngùi xót xa.

Trí thức thời loạn cũng là đối tượng được người kể chuyện quan tâm, thông qua hành trình nội tâm đầy phức tạp, biện chứng của đám trí thức Thuận Hóa, Bắc Hà đặc biệt là tâm trạng giáo Hiến, người kể chuyện đã hé mở một sự thật tưởng như hiển nhiên mà không hề đơn giản: lẽ chính thống. Thế nào là chính thống, thế nào là ngụy triều, quá trình chuyển biến tâm lí nhận thức để xác lập ý nghĩa đích thực của hai chữ chính thống hóa ra thật gian nan. Với một mớ chữ nghĩa đậm màu triết lí, những nhân vật trí thức này trải qua một quá trình sàng lọc, cân nhắc kĩ lưỡng, tĩnh tại và đầy suy tư nhưng vẫn không dễ gì tìm được lời đáp. Tâm trạng chung là dùng dằng, bất quyết, do dự thậm chí còn sợ hãi. Một mặt nhút nhát không đuổi kịp bước đi của thời đại (Bùi Huy Bích), một mặt luyến tiếc cái đã qua (giáo Hiến), không dám tin vào cái mới, chần chừ chờ đợi (Trần Bá Lãm), cẩn trọng đến mức cố chấp (La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp), thậm chí ngu trung mù quáng (Lí Trần Quán, Nguyễn Đăng Trường). Chỉ một số ít thức thời: Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh nhưng mỗi người lại có một cách thức thời khác nhau. Trần Văn Kỷ và Ngô Thì Nhậm thì mạnh dạn, vững bước ủng hộ cái mới tiến bộ theo chiều hướng tích cực, xây dựng thúc đẩy lịch sử trong khi Nguyễn Hữu Chỉnh lại phụng sự chủ nghĩa cá nhân cơ hội, mưu mô xảo quyệt làm đảo lộn lịch sử theo chiều hướng tiêu cực.

6. Về nghệ thuật dựng chuyện, dẫn chuyện. Trên cái phông nền chạy loạn của gia đình giáo Hiến; Nhạc, Huệ… những nhân vật lịch sử xuất hiện như một lẽ tự nhiên, những hoạt động dấy nghiệp của họ gắn chặt với những bước thăng trầm của gia đình đó. Bởi vậy câu chuyện lịch sử nhưng nhân vật chính không dừng lại ở những con người lịch sử mà cả những con người đời thường vô danh, và lịch sử ở đây cũng chủ yếu được nhìn ở sự cảm nhận của họ. Nhân vật An cùng mối tình thầm kín, mơ hồ nhưng bền chặt với Huệ trở thành điểm tựa xương sống để tác giả triển khai hệ thống sự kiện, nhân vật. Điều đó làm cho sự kiện lịch sử được hiện lên một cách chân thực, nhãn tiền, khách quan như cuộc sống đang diễn ra trước mắt vậy. Người đọc được chứng kiến, được nhìn nhận và được quyền phán xét.

7. Trên một không gian rộng lớn từ Nam chí Bắc, với một khoảng thời gian tương đối dài từ năm 1765 đến 1792, Sông Côn mùa lũ đã đem lại cho người đọc một bức tranh toàn cảnh của xã hội Việt Nam những thập niên cuối thế kỷ 18 với những biến động dữ dội, nhiễu nhương, kinh thiên động địa. Bằng cách viết hư cấu kết hợp sự thật lịch sử (tác giả rất nghiêm túc trong tìm hiểu tài liệu lịch sử từ: Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Tìm hiểu thiên tài quân sự Nguyễn Huệ của Phạm Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng, Lịch sử nội chiến Việt Nam của Tạ Chí Đại Tường, Thư từ viết tay của các giáo sĩ…) tác phẩm thực sự là một bách khoa tri thức về địa lí, về văn hóa, phong tục của nhiều vùng miền… (Gia Định, Quy Nhơn, Thuận Hóa, Thăng Long…).

Lịch sử là cái đã qua nhưng tiểu thuyết lại là cái vẫn đang tồn tại, vẫn đang hiện hữu nhãn tiền. Bằng cái nhìn dân chủ Sông Côn mùa lũ thực sự đã kéo lịch sử về với đời thường, về với ngày hôm nay. Dẫu đôi chỗ còn dài dòng nhưng tác phẩm quả là một tiểu thuyết lịch sử xứng tầm. Nó thật sự giúp ta có cái nhìn đúng đắn, sâu sắc và biện chứng về hôm qua và hôm nay, về chiến tranh, về thân phận con người trước, trong và sau bất cứ thời tao loạn nào.


Lê Thị Thanh Loan

Nguồn: http://tapchinhavan.vn/NewsNo.asp?catn=47&id=791

 

   Số lần đọc: 5775

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây