Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàMùa Biển ĐộngTập 5 - Tha HươngMùa Biển Động - Chương 179

Mùa Biển Động – Chương 179

(Mùa Biển Động – Chương 179)

Trích nhật ký của Ngữ

Bảo chánh ngày…

…Như thế là đời sống ta tạm ổn định. Không biết ngày xưa Tô Đông Pha lúc bị đi đày có được như mình ngày nay không? Một túp lều tranh, cái giường bố, bàn gỗ và cái ghế đẩu, bếp ở góc nhà. Bao gạo hai mươi ký, soong cá kho mặn và hũ dưa chua. Nâng tấm liếp cửa sổ lên, ánh sáng màu xanh nõn lọc qua tàn lá chuối tràn vào phòng, trang giấy trắng tập nhật ký ta đang viết biến thành màu xanh nhạt. Gió lay tàn lá bên ngoài nên cái màu xanh huyền ảo ấy cũng lung linh biến đổi theo lúc đậm lúc nhạt. Chưa bao giờ ta thèm viết cho bằng lúc này. Ta không cô đơn tuy sống xa vợ con bạn bè. Bên cạnh ta có hai tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du và Cao Bá Quát. Người xưa gần gũi với ta hơn người đời nay. Khi chọn sách mang theo “đất trích”, ta chỉ chọn hai cuốn này. Ta đã chọn đúng.

Nhớ mãi đêm Quỳnh Trang khóc kể thực chuyện nhà. Hóa ra số tiền Trang dành dụm lâu nay, lớp góp cho me đóng thuế, lớp tiêu pha hàng ngày, cuối cùng không đủ để trả tiền mua rẫy. Phải mượn cả tiền bán hai thùng thuốc tây Quỳnh Như gửi về mới đủ. Ta long trọng hứa với Trang là chỉ cần tiếp tế gạo trong vòng sáu tháng đầu, sau đó ta tự túc được. Làm thân đàn ông mà không tự nuôi nổi mình thì có cái nhục nào bằng. Bắt đầu từ đây ta mới chính thức sống bằng chính mồ hôi của mình. Ta lạc quan. Ngày nào cũng có vài ba buồng chuối chín tới. Nếu bắt đầu cuốc vườn xới đất và rỉa bắp từ ngày mai, ba tháng sau đã có mùa bắp đầu. Khoảng đất cạnh lều dùng để trồng rau muống hoặc gieo cải. So với những người khẩn hoang như Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc viết lại, ta may mắn hơn nhiêu. Thương Trang vô cùng!

Gần bốn mươi năm sống trên đời, mãi tới bây giờ tai ta mới biết nghe. Tối hôm qua, lần đầu tiên ta nghe trọn được nhạc dế. Trời lạnh nhưng không có gió. Lá chuối chỉ xào xạc mơ hồ làm bè đệm cho hai chú dế tấu nhạc. Rõ ràng hai chú dế thay phiên nhau “hát” cho ta nghe chứ không phải là một. Khúc nhạc dạo đầu tiên hăm hở, khỏe khoắn, có lẽ màng cánh dế rung lên liên hồi giữa bóng đêm đã phát ra thứ âm nhạc rộn rã, mời gọi thiết tha, từng âm thanh ríu rít, nôn nao ngóng trông nhưng cũng đầy tự tin, nghĩ rằng thế nào cũng có hồi âm. Quả nhiên chú dế đầu tiên vừa lên tiếng thì đã có chú dế thứ hai đáp lại. Nhạc dế thanh hơn, khoan thai hơn, âm thanh trong vắt nhưng có cái gì mong manh. Hơi nhạc kéo dài lâu hơn, lúc gần chấm dứt nhạc dế như nhỏ dần, đến lúc chấm dứt ta vẫn còn cảm tưởng âm thanh vẫn còn đó, chỉ vì ở xa nên như một cánh én vụt bay lên cao, đã khuất vào tầng mây mênh mông nhưng không thể bảo không còn cánh én nữa. Cả đời ta chỉ nghe toàn tiếng ồn mà tưởng là nhạc. Không. Lúc tóc bắt đầu có sợi bạc ta mới hiểu thế nào là nhạc. Thật quá trễ, nhưng chưa muộn.

Chương trình làm việc hàng ngày của ta “lành mạnh” nhất từ xưa tới nay. Buổi sáng dậy lúc bảy giờ. Xếp chăn đẩy tấm liếp cửa ra ngoài lều hít thở không khí trong lành của buổi sớm. Ngọn núi xanh trước mặt còn ngây ngất trong sương. Sương còn đọng trên những tàu lá chuối. Đất đỏ thẫm màu và cả đất trời như cùng xôn xao chờ ông mặt trời tới. Bửa củi pha cà phê và nấu soong cơm ăn cho cả ngày. Nhấp từng ngụm cà phê, hút xong điếu thuốc vấn thì soong cơm cũng vừa chín. Cuốc đất vườn cả buổi sáng. Tuần lễ đầu chưa quen tối nằm thân thể mỏi nhừ, hai bả vai và xương sống nhức nhối, nhưng nay thì bắp thịt đã quen, cuốc đất cả ngày tối ngủ vẫn thảnh thơi. Buổi chiều vác rựa đi làm cỏ chuối, ra ga lang thang nhìn những chuyến tàu qua. Ta thấy tâm hồn ta biến đổi: ta không còn ao ước được leo lên tàu đi xa. Ta già rồi chăng? Không. Ta bằng lòng với cuộc sống này.

Đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du ta mới thấy lâu nay mình chỉ mới biết được một phần rất nhỏ thi tài của ông, và một phần nhỏ nhoi hơn nữa tâm sự của ông. Ta yêu thơ chữ Hán của Nguyễn Du còn hơn cả Đoạn Trường Tân Thanh, nhất là những bài thi hào làm trong suốt mười năm gió bụi, từ 1786 đến 1795, và những bài làm dưới chân ngọn Hồng lĩnh (1796-1802) sưu tập lại thành “Thanh Hiên thi tập”. Cả đêm ta đọc đi đọc lại bài Ký Mộng

Thệ thủy nhật dạ lưu
Du tử hành vị quy
Kinh niên bất tương kiến
Hà dĩ úy tương ti (tư)
Muồng trung phân minh kiến
Tầm ngã giang chi mi
Nhan sắc thị trù tích
Y sức đa sâm si
Thỉ ngôn khổ bệnh hoạn
Kế ngôn cửu biệt ly
Đái khấp bất chung ngữ
Phảng phất như cách duy
Bình sinh bất thức lộ
Mộng hồn hoàn thị phi?
Diệp sơn đa hổ trĩ
Lam thủy đa giao ly
Đại lộ hiểm thả ác
Nhược chất tương hà y?
Mộng lai cô đăng thanh
Mộng khứ hàn phong xuy
Mỹ nhân bất tương kiến
Nhu tình loạn như ti
Không ốc lậu tà nguyệt
Chiếu ngã đan thường y

Bài dịch của Phạm Khắc Khoan và Lê Thước:

Ghi lại giấc mộng

Dòng nước ngày đêm chảy
Người đi biệt vân mồng
Bao năm không gặp mặt
Lấy gì khuây nhớ nhung
Trong mộng rõ ràng thấy
Tim ta bên bến sông
Mặt mày vẫn như trước
Áo quần hơi lòng thòng
Trước nói chuyện đau ốm
Sau nói nỗi chờ mong
Nghẹn ngào không kể xiết
Phảng phất như cách mùng
Bình sinh không thuộc lối
Mơ mộng biết đúng không?
Núi Điệp nhiều hổ báo
Sông Lam nhiều thuồng luồng
Đường sá hiểm lại dữ
Chân yếu cậy ai cùng?
Mộng đến đèn trong sáng
Mộng tan gió lạnh lùng
Người đẹp không thấy nữa
Vò rối mớ tơ lòng
Trăng tà lọt nhà trống
Soi áo ta mỏng không!

Ta yêu biết bao nhiêu hai câu Nguyễn Du tóm tắt cả cuộc đời ta:

Bình sinh không thuộc lối
Mơ mộng biết đúng không?

Còn về thơ, chỉ cần hai câu năm chữ cuối cùng:

Không ốc lậu tà nguyệt
Chiếu ngã đan thường y
(Trăng tà lọt nhà trống
Soi áo ta mỏng không)

Nguyễn Du đã gói ghém biết bao nhiêu ý. Cần gì dài lời. Mỗi tiếng nói đơn sơ qua bàn tay thiên tài đều trở thành những hạt kim cương, từng mặt lấp lánh phản chiếu muôn ngàn màu sắc của vũ trụ rực rỡ.

Nào, đừng nên buồn vì cuộc sống kham khổ. Người xưa kham khổ hơn ta nhiều. Vừa nhai cơm vừa lật đọc Thanh Hiên thi tập, hồi chiều ta bắt gặp bài giữa trong ba bài Tạp Ngâm:

Tạp Ngâm II

Long vĩ giang đầu ốc nhất gian
U cư sầu cực hốt tri hoan
Đạt nhân tâm cảnh quang như nguyệt
Xử sĩ môn tiền thanh giả san
Chẩm bạn chúc thư phù bệnh cốt
Đang tiền đẩu tử khởi suy nhan
Táo đầu chung nhật vô yên hỏa
Song ngoại hoàng hoa tú khả xan

(Đầu sông Long vĩ một gian nhà
Ở ẩn buồn teo vẫn thú a!
Đạt sĩ, cõi lòng trăng sáng tỏ
Cao nhân, trước cửa núi bao la
Sách chồng cạnh gối đỡ thân mệt
Rượu nhắp bên đèn đổi sắc da
Trong bếp suốt ngày không khói lửa
Ngoài song nọ vói khóm hoàng hoa)

Nguyễn Du lúc cùng quẫn đã nghĩ tới chuyện có thể ăn hoa cúc cho đỡ đói. A ha! Ta còn sướng chán!

Ta không cô đơn. Ta không cô đơn. Nguyễn Du ở bên ta, an ủi ta, bầu bạn tâm sự với ta mỗi khi ta chán nản, ngã lòng. Đêm qua mưa dầm, nằm nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên lá chuối, ta buồn muốn khóc. Trằn trọc không ngủ được, dở Thanh Hiên thi tập ra xem may rủi như người ta bói Kiều, thì gặp đúng bài Dạ Hành:

Lão nạp an miên Hồng lĩnh vân
Phù âu tĩnh túc noãn sa tân
Nam minh tàn nguyệt phù thiên lý
Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân
Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu
Bạch đầu vô lại chuyết tàng thân
Bất sầu cửu lộ triêm y duệ
Thả hỷ tu mi bất nhiễm trần

(Vị sư già ngủ ngon trong mây núi Hồng lĩnh
Chim âu cũng nằm yên trên bãi cát ấm
Bóng trăng tàn giập giờn trên biển nam, xa nghìn dặm
Trên lối cũ, gió lạnh dồn cả vào một người
Đêm tối mù mịt, không biết bây giờ là bao giờ mãi chẳng thấy sáng
Già rồi, không nên chuyện gì, lại vụng về náu thân
Không lo đi đâu dưới sương, áo bị thấm ướt
Hãy mừng mày râu (vì nhờ có sương) không phải nhuốm bụi

Phải! Rủi hay may, hạnh phúc hay đau khổ chỉ do lòng ta, do cách ta nhìn cuộc đời. Nhờ cơn mưa đêm qua, luống bắp thiếu nước mơn mởn hẳn lên.

Nhật ký ơi! Ta bỏ bạn cả tháng ròng mà đêm nay dở lại bạn, sao lòng ta dửng dưng. Đọc đi đọc lại hai câu cuối bài Dạ Hành, ta thẹn với Nguyễn Du. Ta yếu đuối, ngây thơ, không bằng được người xưa. Đi đâu dưới sương ướt đẫm vai áo, ta lạnh cóng, dù cố bao nhiêu cũng không thể tự an ủi là nhờ sương dày mà bụi đường không bay lên bám cả vào mày râu. Đời sống không đơn giản như ta tưởng. Sống trên mảnh đất của mình, dùng mồ hôi tự trồng trọt lấy để nuôi thân, cái giấc mơ đơn giản nhỏ nhoi ấy, ta tưởng dễ thực hiện lắm. Không. Đời sống ta bắt đầu khốn đốn. Đã có lệnh cấm các chủ vườn không được tự tiện bán chuối nữa, tất cả phải bán cho hợp tác xã tỉnh để đủ chuối mở nhà máy làm kẹo chuối xuất khẩu. Một chị buôn chuối trở thành bà cán bộ tiểu tâm, hống hách. Ngày nào mụ cũng đi rảo khắp các vườn chuối để ghi vào sổ vườn nào có những buồng chuối sắp chín. Ta trở thành tên ăn trộm chuối của chính ta. Khuya nào cũng thậm thụt lén thức dậy ra vườn chặt chuối trộm, rồi nín thở lần mò mang chuối đi giao cho những chị buôn chuối lậu. Miếng cơm trong miệng đắng và cay làm sao!

Về Sài gòn thăm vợ con không vui gì hơn. Đến cả những cuộc ái ân giữa vợ chồng cũng không được hưởng trọn. Đêm hôm trước, giữa lúc ta nhắm mắt lắng nghe xúc cảm càng lúc càng cao lên từng thớ thịt làn da, thì nghe Trang khóc. Ban đầu ta tưởng nàng rên vì cảm khoái, khi biết nàng khóc, ta hốt hoảng, cảm thấy mình đầy cả tội lỗi. Ta trơ trẽn thô bỉ như một tên cuồng dâm. Nguồn hy vọng cho cả gia đình hiện giờ có những gói quà nhỏ của Quỳnh Như. Ta trở xuống đây mà không dám xin Trang một ít tiền mua thức ăn. Bao giờ ta mới đạt được cái đạo sống lẫm liệt như Nguyễn Du?

Lại phải mang cơm nắm đi làm thủy lợi. Không có thì giờ viết gì cho bạn, nhật ký ơi. Ta ghi vội vào đây để hôm nào về nhà viết lại: phải viết về quyền lực. Lạ quá, chưa bao giờ nỗi khát khao quyền lực của từng người được nuông chiều thả lỏng như bây giờ.

Ta quan sát chị buôn chuối thành bà cán bộ thương nghiệp mới thấy do đâu chế độ này tồn tại, mặc dù cả nước là một nhà tù, mỗi người tự nguyện làm tên cai ngục. Chế độ nắm được cái xấu xa nhất trong bản tính con người và tận dụng nó, đó là khao khát quyền lực. Chị buôn chuối lãnh lương tháng không bằng một ngày tiền lời chị chở chuối lên Sài gòn giao cho các vựa trái cây, nhưng chị ta sung sướng hãnh diện thấy rõ. Chị được ngồi chễm chệ trong một văn phòng, những người chị quen bây giờ muốn gặp chị phải xin phép chú bảo vệ, vào phòng chị, phải nhẹ lời, lóm thóm. Chị càng hòa nhã lễ phép họ càng sợ. Chị được ngồi trên ghế nói chuyện với bà con cô bác ngồi chồm hổm trong sân trụ sở Phòng Thương nghiệp, chị pha trò bà con cô bác vỗ tay, chị dừng lại nhíu mày bà con cô bác nín thở lo âu. Chị được nói những tiếng lạ tai như “làm chủ tập thể”, “mình vì mọi người”, “bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, “sản xuất đại trà”… Những ngày đầu chị ăn nói lúng túng, nhưng chỉ vài tuần chị thuộc bài, ăn nói đâu vào đó. Bỏ bạc vạn cũng không mua được cái danh lớn lao bất ngờ này. Chị bỏ con nheo nhóc để làm việc nước, hết ngồi ở văn phòng lại đi rảo các vườn để ngăn ngừa bọn xấu ăn cắp tài sản nhà nước, phá hoại chính sách hợp tác hóa nông nghiệp của đảng!

Hình như Công an xã và Xã đội cư xử với ta tàn tệ hơn trước nhiều cũng do mụ này. Đời ta tàn tạ vì một mụ đàn bà dốt nát hay sao?

Ta học thêm một nghề mới để nuôi thân. Ta thành tiều phu rồi nhật ký ơi! Ta tự thề là từ nay không về Sài gòn xin gạo nữa. Nếu tấm thân còn mạnh khoẻ này mà còn sống nhờ vợ thì nên tự kết liễu đời mình đi cho rồi. Quỳnh Trang đã mua sẵn bao cát gạo cho ta đem đi, nhưng buổi sáng ta giả vờ quên. Không bán chuối được thì ta bán củi. Vẫn là tài sản Nhà nước đấy, nhưng cũng may là nhà nước chưa nghĩ tới kế hoạch xuất khẩu củi ra nước ngoài.

Suốt ngày ta lên rừng đốn củi, cột thành bó chất sát đường xe lửa chở những chuyến tàu đến để bán cho hành khách, ta mệt nhoài. Chắc từ nay ta ít có thì giờ tâm sự với bạn, nhật ký ạ!

Chiều nay khi vội vàng quăng củi qua cửa sổ toa tàu chợ cho khách, ta nghe bên trong toa tàu có tiếng trẻ con khóc thét. Tàu chạy rồi ta đứng ngẩn ngơ. Ta giết thằng bé rồi chăng?

Càng ngày ta càng phải leo núi cao hơn mới kiếm được củi khô và chắc, bán được giá hơn loại củi tươi cành nhỏ. Nhiều hôm nghỉ mệt tìm chỗ đất trống từ trên sườn núi chót vót nhìn xuống, ta ngợp vì trời đất mênh mông. Những toa tàu dưới chân ta nhỏ như cái hộp quẹt. Trời đất mênh mông thế kia sao con người vẫn còn chen chúc ở chốn chật hẹp và tìm hạnh phúc bằng cách làm khổ nhau?

Mấy lúc gần đây ta cũng ngợp vì thơ Cao Bá Quát. Trời ơi! Sao đến bây giờ ta mới gặp Người! Những gì ta học được về Cao Chu Thần ở trung học chỉ là những bộ phó bản nhem nhuốc dị dạng của một hồn thơ lớn lao vô chừng. Bọn sử quan triều Nguyễn đặt điều bôi xấu cho người tử tù thật đáng đem lăng trì và tru di tam tộc!

Thơ Nguyễn Du là tiếng khóc của con người lầm lũi giữa chốn nhân gian. Thơ Cao Bá Quát lá tiếng thét cao ngạo của người đứng trên đỉnh núi. Ta ngợp trước những đỉnh núi trong thơ Cao Bá Quát. Ghi lại vào đây một đỉnh núi từng làm ta ngất ngây:

Quá Dục Thúy Sơn

Thiên địa hữu tư sơn
Vạn cổ hữu tư tự
Phong cảnh dĩ kỳ tuyệt
Nhi ngã diệc lai thử
Ngã dục đăng cao sầm
Hạo ca ký vân thủy
Hữu ước nãi vi tư
Phàm sự đại đô nhĩ!

Dịch:

Qua Núi Dục Thúy
Trời đất có núi này
Muôn thuở có chùa này
Phong cảnh đã kỳ tuyệt
Mà lại thêm có ta đến đây
Ta muốn trèo lên đỉnh cao ngất kia
Hát vang lên để gởi gấm lòng vào mây nước
Ước ao thế mà không được như nguyện
Đại phàm mọi việc đều thế cả

Những hồn thơ lớn không cần nhọc công leo lên đỉnh cao như ta, mới thấy cái nhỏ của nhân gian. Những hồn thơ lớn như Cao Chu Thần tự tay dựng những đỉnh núi ấy, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Như bài Sa hành đoản ca (Bài hát ngắn “Đi trên bãi cát”):

Bãi cát dài, lại bãi cát dài
Đi một bước như lùi một bước
Mặt trời đã lặn mà vẫn còn đi
Khách (trên đường) nước mắt lã chã rơi
Anh không học được ông tiên có phép ngủ kỹ
Cứ trèo non, lội nước mãi, bao giờ cho hết ta oán!
Xưa nay hạng người danh lợi
Vẫn tất tả ở ngoài đường xá
(Hễ) quán rượu ở đầu gió có rượu ngon
(Thì) người tỉnh thường ít mà người say vô số!
Bãi cát dài, bãi cát dài, biết tính sao đây?
Bước đường bằng phẳng thì mờ mịt, bước đường ghê sợ thì nhiều
Hãy nghe ta hát khúc ca “đường cùng”
Phía Bắc núi Bắc núi muôn trùng
Phía Nam núi Nam sóng muôn đợt
Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?

Dựng đỉnh núi ngay giữa nơi tù ngục, sau khi bị tra tấn thân xác còn đẫm máu me: bài Đằng Tiên Ca (bài ca Cái roi song):

Sau hôm rằm tháng Chín, khi trời còn dịu
Mặt trời u ám, ban mai không có ánh sáng
Người bị giam cầm xù đầu ngồi trên giường gẫy
Ngọn gió lạnh buốt thổi phần phật vào áo quần
Chợt có lính của bộ đến, tiếng nói lanh lảnh
Gọi ra và thúc giục đến công đường
Đứng dậy mang gông, đi theo sau hắn
Khăn rách xốc xếch, chân bước vội vàng
Lúc vào cửa có lính canh ngục kèm hai bên
Người ở Kinh đô ngơ ngác đứng xem, vây kín như bức tường
Các quan lớn ngồi cùng nhau, dưới có một viên quan nhỏ
Gọi đem những hình cụ ra bày la liệt
Có cái roi song to, dài thật là dài
Da nó tía, mình nó cứng, uốn nó lại thẳng đờ ra
Người bị tội nằm duỗi, vẻ sợ hãi xanh xám
Đầu quay nghiêng, mắt lấm lét, như con dê hoảng hốt
Chân tay căng thẳng, hai mắt quáng lên
Lúc đó là sau trận mưa, hơi thấp độc xông lên đến bàng quang
Giờ lâu bị tra hỏi, miệng không nói được
Chỉ khan vã kêu: “oan, oan” và gào trời
Quan thét lên như tiếng sét, rung cả rường nhà
Roi quất nhoang nhoáng bay đi liệng lại như ánh chớp
Lúc giơ lên như hai con thuồng luồng quật vào bờ ao lở
Lúc nhừng như nước lạnh đổ vào nồi nước sôi
Hai cái nọc đứng sững, có vẻ vững chắc
Tiếng rên rỉ vang quanh dãy hành lang
Than ôi! Một cành hoa hải đường đương xuân
Bị bẻ tan nát, không kể gì đến cái hương thơm ở Xương châu nữa
Bấy giờ đã muộn, trời xâm xẩm tối
Ở nơi góc đài, những giọt sương trong cũng vì ta mà bay lên
Roi song rủ xuống, thôi không hăng như trước nữa
Chắp tay đứng, ruột mềm quặn lại như cuốn vào ngón tay được
Được, mất, do mệnh là sự thường
Ta cũng mày mặt như mọi người việc gì mà đau thương?
Ơn nhà, nợ nước chưa chút đền đáp
Là người dũng cảm, đâu có chịu chết ở nơi văn tự!
Chao ôi! Roi song ơi!
Mày thấy không:
Ở phía nam sông Đức giang
Ở đỉnh núi Nguyệt hằng
Trên đó có cây tùng cây bách chết một nửa
Nhưng vẫn cùng nhau đứng trơ trơ giữa trời rét mướt
Ví phỏng có người thợ giải biết dùng, không bỏ nó
Thì những hạng cây như bồ kết và chương não kia có đáng kể gì đâu
Vậy mà còn đẵn phá nó thì có đáng không?

Càng nghĩ ta càng thấy không có gì tha hóa con người nhanh chóng và khủng khiếp cho bằng quyền lực. Ta tưởng tượng một chuyện ngụ ngôn:

Một lãnh tụ chính trị đang hấp hối trên giường bệnh. Các đệ tử bàn nhau tìm cách nào để lãnh tụ lìa cõi trần với một nụ cười mãn nguyện trên môi.

Người đệ tử thứ nhất vào phòng bệnh thưa với người hấp hối:

– Xin cụ rán ở lại với chúng con. Một đời cụ bôn ba vì nước khổ cực, chúng con không dám để cụ sống thiếu thốn đâu. Chúng con đã góp nhau lo đầy đủ cho cụ: một biệt thự ở Đà lạt, tiền bạc cụ cần bao nhiêu cũng có. Cụ chỉ nhắc phôn lên sai bảo, chúng con sẽ mang đến hầu cụ ngay.

Lãnh tụ không thèm mở mắt nhìn, lắc đầu đưa tay xua anh đệ tử lẻo mép đi ra.

Người thứ hai vào thưa:

– Xin cụ rán thuốc thang đều để đủ sức chủ tọa cuộc thi hoa hậu năm nay. Cụ biết không, những người đẹp dự thi trả lời phỏng vấn của báo chí đều nói rằng không có cụ chủ tọa, thì không có ai đủ sức thấy vẻ đẹp của họ. Ngày đêm họ cầu nguyện xin ơn Trên cho cụ chóng bình phục.

Lãnh tụ đuổi anh đệ tử bảnh trai ra.

Người thứ ba vào, vừa khóc vừa than:

– Con một mực tin rằng cụ sống mãi với chúng con để dìu dắt chúng con. Nói lỡ dại nếu cụ mất đi, thì trời ơi, đất nước này sẽ biết về đâu!

Lãnh tụ vội mở mắt, gượng chống tay ngồi dậy. Nụ cười nở trên môi ông, trước khi ông ngã xuống mặt nệm và tắt thở.

Thật giống như một giấc mộng Liêu trai!

Sáng nay ta ngồi đây, giữa đống chăn gối bừa bộn mà lòng cứ bàng hoàng tưởng như chưa bao giờ có đêm qua. Ta đang có hay ta không đang có?

Đêm qua, lúc sắp sửa tắt đèn đi ngủ ta nghe có bước chân ai đi qua vườn, rồi tiến về phía căn lều của ta, dừng lại ở liếp cửa. Ta nghĩ có lẽ mụ cán bộ thương nghiệp đi rình bắt những chủ vườn chặt chuối trộm. May quá ta đã giao buồng chuối cho chị buôn trái cây, không còn gì phải sợ mụ ta nữa.

Không chờ mụ gọi, ta đường hoàng ra mở cửa sau khi đã thắp đèn lên. Ai đứng đó, phía sau là bóng đêm, khuôn mặt huyền ảo lạ lùng trước ánh sáng lung linh của ngọn đèn bão. Diễm! Trời ơi Diễm!

Diễm nói đã nhiều lần đi buôn hàng chuyến trên tàu lửa qua ga xép này nàng trông thấy ta, nhưng vì ta tiều tụy quá, nàng xót xa không gọi ta được. Ta ngượng ngùng trỏ cảnh căn lều, pha trò bảo đấy là “thảo lư” của ta. Diễm nhìn quanh, rồi ôm ta mà khóc. Sáng nay ta nhìn quanh, và nhìn đâu cũng thấy dấu vết của Diễm. Mùi da thịt Diễm còn ươm đầy trên nếp chăn. Mấy sợi tóc mảnh còn rơi lại trên mặt gối. Thỏi son Elizabeth Arden còn bỏ quên. Chiếc khăn nhỏ vắt trên mặt ghế… Diễm dậy sớm ra ga chờ tàu vì không muốn có người trông thấy nàng ở đêm trong túp lều này với ta. Diễm nói: “Em muốn được trở lại thăm anh nhiều lần nữa, nên đừng để cho tụi công an chú ý. Từ đây em chỉ còn một niềm vui là lâu lâu ghé lại đây thăm anh”.

Ta viết những dòng này vào nguyên một trang, để nếu cần phải xé bỏ thì xé đi, khỏi “phiền lụy” đến những trang khác. Ta đang sống thực hay đang mơ đây?

 

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 16

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây