Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTruyền ThôngPhỏng VấnPhỏng Vấn Thầy Nguyễn Mộng Giác

Phỏng Vấn Thầy Nguyễn Mộng Giác

Nguồn: Đặc San Cường Để  Qui Nhơn số 1 năm 1998 tại Houston

LTS: Là hậu thân của một trường trung học được thành lập từ năm 1921, và mang nhiều danh xưng khác nhau suốt hai thời kỳ Pháp thuộc và Việt minh.  Trường Trung học Cường Để được chính thức mang tên Ông Hoàng làm cách mạng này từ năm 1955 đến ngày đổi đời năm 1975.  Trong suốt thời gian này, trường vinh dự được điều khiển bỡi năm vị Hiệu trưởng đầy tài năng và đức độ.  Thật đau lòng, ba trong số năm thầy Hiệu trưởng khả kính của chúng ta là các thầy Đinh Thành Chương, Trương Ân và Nguyễn Phụ Chính đã quá cố.  Hiện nay chỉ còn lại thầy Tôn Thất Ngạc ở Houston, TX và thầy Nguyễn Mộng Giác ở Orange County, CA.

Mặc dù hoàn cảnh đã có nhiều đổi thay và mặc dù hầu hết chúng ta đã trưởng thành hiểu theo nhiều nghĩa.  Quí vị Hiệu trưởng, quí thầy cô vẫn mãi mãi là những biểu tượng cao quí, những mẫu mực để học hỏi, để noi theo về cả hai phương diện: kiến thức và tư cách đạo đức, đối với tất cả cựu học sinh.

Nhân dịp Đặc San Cường Để phát hành số đầu tiên tại hải ngoại; chúng tôi thành tâm tưởng nhớ đến quí thầy cô đã quá vãng và trân trọng giới thiệu đến toàn thể anh chị em bài phỏng vấn các thầy Hiệu trưởng Tôn Thất Ngạc và Nguyễn Mộng Giác.  Đây là cách vừa giúp chúng ta thấu hiểu và chia xẻ hoàn cảnh gian truân theo vận nước của quí thầy, vừa để hảnh diện ôn lại những thành tựu của trường xưa bạn cũ, đồng thời lắng nghe những lời chỉ bảo chân thành và hữu ích của quí thầy.  Câu hỏi được đặt chung cho cả hai thầy:

  1. Nhiều anh chị em cựu học sinh Cường Để đã liên lạc với các em, nhờ các em chuyển lời vấn an đến thầy và mong mỏi được biết về sinh hoạt hiện nay của thầy.  Xin thầy có đôi điều với các cựu học sinh.
  2. Xin thầy cho biết nguồn gốc đào tạo và những trách vụ đã đảm nhận trong ngành giáo dục.
  3. Xin thầy cho biết những sự kiện chính và những thành quả điển hình trong thời gian thầy đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng trường Trung học Cường Để.
  4. Xin thầy cho biết nhận xét về chương trình giáo dục chung cũng như nhận xét riêng về học sinh Cường Để.
  5. Mong ước chung của hầu hết cựu học sinh Cường Để ở khắp nơi là có một sự liên kết sâu rộng những anh chị em cùng trường cũ trong mục đích ái hữu.  Xin thầy cho biết ý kiến về việc này cùng những lời khuyên.

Xin chân thành cảm ơn thầy.

ĐSCĐ

. . . . . . .

THẦY CỰU HT NGUYỄN MỘNG GIÁC:

1)   Tôi về dạy trường Cường Để từ niên khóa 1965-1966 và rời trường qua làm Chánh Sở Học Chánh Bình Định Qui Nhơn năm 1973.  Cuối năm 1974, tôi lại chuyển vào làm chuyên viên nghiên cứu tại Bộ Giáo Dục ở Sài Gòn, nên không còn nhiều cơ hội gặp lại nhiều thế hệ học sinh Cường Để.  Sau tháng 4-1975, thầy trò đều chịu những thăng trầm đau lòng, lâu lâu gặp lại học trò cũ mà thầy trò cùng ái ngại cho nhau. Tại Nha Nghiên Cứu Sưu Tầm Giáo Dục nơi tôi làm việc sau tháng 4-1975, tôi là người bị cho nghỉ việc trước tiên.  Vì những chức vụ cũ.  Vì chuyện viết lách.  Suốt sáu năm thất nghiệp, tôi xoay chuyển đủ nghề mà không thành công nghề nào cả.  Bán sách cũ ở chợ trời không khá.  Làm mì sợi ở tồ hợp mì sợi Dân Sinh dưới Chợ Lớn được một thời gian rồi tổ hợp cũng sập tiệm vì sự tranh chấp của hai bang phái trong tổ hợp gồm hầu hết người Hoa này.  Trong túng bấn cùng khổ, đôi khi gặp học trò cũ vào những hoàng cảnh lỡ khóc lỡ cười.  Chẳng hạn đem vài thứ hư bể trong nhà ra chợ trời bán thì gặp lại nữ sinh Cường Để đang làm người mua hàng cũ ngồi lê la ở trên vỉa hè Tân Định; hoặc xuống Bảo Chánh định tìm đất làm rẫy thì nghe có tiếng học trò chào, vì anh ấy đang làm phu đào hố chôn cột dây điện thoại ven đường sắt.  Thầy Nguyễn Phụ Chính, người kế vị tôi làm Hiệu trưởng Cường Để nhiệm kỳ cuối cùng, sau 30-4-75 làm nghề lái xe ôm cũng gặp cảnh tương tự.  Thầy chở thuê cho học trò làm người buôn hàng chuyến, hai bên nhận ra nhau rồi không biết phải cư xử làm sao cho phải.  Đại khái các giáo sư Cường Để, trừ một số ít được tiếp tục dạy, phần lớn đều thất nghiệp và phải vất vả mưu sinh khi cọng sản thôn tính miền Nam.

Cuối năm 1981 tôi vượt biên thành công (sau bốn lần thất bại) qua ngã Nam Dương và định cư ở Hoa Kỳ tháng 11-1982.  Cháu gái đầu vượt biên trước một năm, tôi dẫn theo cháu trai giữa.  Ba cha con rời Houston Texas về California sống từ năm 1983.  Bốn năm đầu, tôi vừa học nghề thợ in vừa làm thuê cho báo Việt Ngữ ở quận Cam.  Công việc nhiều mà lương ít ỏi quá không đủ gửi về cho nhà tôi và cháu út còn ở lại, nên từ 1987 đến nay tôi xin làm cho công ty ấn loát niên giám điện thoại GTE của Mỹ.  Công việc ấy tôi giữ được lâu bền hơn mười năm qua, từ 1987 đến nay.  Nhà tôi và cháu út qua Mỹ tháng 3-1990 trong chương trình đoàn tụ gia đình (ODP).

Song song với việc mưu sinh, tôi cũng có viết và xuất bản được một số tác phẩm văn chương, cũng như chủ trương một tạp chí nghiên cứu và sáng tác văn học.  Tờ báo lấy tên là “Văn Học”, ra hàng tháng và xuất bản đều đặn từ tháng 5-1985 đến nay.  Những tác phẩm tôi viết có lẽ một số bạn cựu học sinh Cường Để đã đọc là hai tập truện ngắn “Ngựa Nản Chân Bon”, “Xuôi Dòng” và hai bộ trường thiên tiểu thuyết “Mùa Biển Động”, “Sông Côn Mùa Lũ”.

Gia đình chúng tôi hiện đang sống tại thành phố Westminster, Quận Cam, California, chỉ cách trung tâm Little Sài Gòn chừng 5 phút lái xe.

2)  Tôi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế năm 1963, Ban Việt Văn.  Ra trường, tôi về dạy văn chương tại trường Nữ Trung Học Đồng Khánh Huế 2 năm, sau đó xin về dạy tại trường Trung học Cường Để.  Lúc mới về Cường Để, vị Hiệu trưởng đương nhiệm là thầy Trương Ân, giám học là thầy Nguyễn Đình Nhàn.  Năm sau, thầy Nhàn đổi về Sài Gòn, tôi được thầy Ân đề cử làm Giám học.  Tôi và thầy Hiệu trưởng Trương Ân làm việc rất tương đắc.  Thầy Ân (vừa mới qua đời tại Pháp năm ngoái) là một người vui tính, có tài lãnh đạo, được mọi người kính trọng và thương mến.  Năm 1971, thầy Trương Ân xin đổi vào Sài Gòn làm thanh tra ở Bộ Giáo Dục, tôi lên làm Hiệu trưởng gần hai niên khóa, trước khi qua làm Chánh sở học chánh như tôi đã nói ở trên.

3)  Chức vụ Hiệu trưởng trường Trung học công lập lớn nhất mỗi tỉnh, theo cách tổ chức giáo dục thời đó, kiêm nhiệm luôn công việc yểm trợ hành chánh học vụ cho các trường công lập quận, và giám sát các trường tư thục trong tỉnh.  Nói chung là chịu trách nhiệm ngành trung học ở mỗi tỉnh.  Khi thành lập Sở Học Chánh, thì Sở Học Chánh mỗi tỉnh trông coi cả trung và tiểu học.  Thành quả của một công việc quản trị hành chánh thì khó có cái gì cụ thể và hấp dẫn để nhớ đời.  Các sự kiện cũng vậy.  Nói cho đúng hơn, còn lại cho tới bây giờ trong trí nhớ của thầy trò là những kỷ niệm lớn dưới mái trường xưa.  Chẳng hạn thời tôi dạy ở trường Cường Để là thời chiến tranh tại tỉnh nhà trở nên ác liệt.  Các căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở Qui Nhơn, Phù Cát, An Khê, Phù Ly;  Căn cứ sư đoàn Mãnh Hổ ở An Sơn, chứng tỏ cường độ chiến tranh tại Bình Định lên cao hơn bất cứ đâu.  Tình hình chính trị bên ngoài trường ảnh hưởng đến sinh hoạt trong trường.  Hiệu trưởng, Giám học, Giáo sư, Giám thị… phải đối phó với những cuộc xuống đường, biểu tình của học sinh, phải làm sao vừa thuyết phục cho đám đông không bạo động phá phách vừa chứng tỏ cho các em biết các thầy cũng thông cảm với những ưu tư của giới trẻ trước các biến chuyển của đất nước.  Thầy Trương Ân rất linh hoạt và tế nhị trong công việc khó khăn này.  Mặc khác, để tránh những ảnh hưởng xấu từ bên ngoài khuôn viên trường (lúc đó các quán rượu, ổ mãi dâm dành cho lính Mỹ và Đại Hàn mọc lên ở khắp Qui Nhơn) các thầy còn tổ chức những sinh hoạt lành mạnh cho học sinh như lập lớp dạy nhu đạo, tổ chức và phát triển phong trào Du ca, tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ (tại đại thính đường do Sư đoàn Mãnh Hổ xây tặng), vận động trồng cây trong sân trường.  Dĩ nhiên quan trọng nhất vẫn là chuyện dạy dỗ và học hành.  Nhất là đối với nam sinh.  Thi hỏng là ngay lập tức bị động viên.  Tôi rất hảnh diện về thành quả học tập của học sinh Cường Để thời gian tôi dạy học ở Qui Nhơn.  Năm nào tỷ lệ đậu đạt của học sinh Cường Để cũng rất cao.  Lý do chính do sức học của học sinh, ngoài ra trình độ học vấn và lương tâm chức nghiệp của giáo sư Cường Để thời gian đó cũng rất cao.  Chưa bao giờ trường Cường Để có một lớp giáo sư dạy giỏi và siêng năng như thời đó.

4)   Tôi xin miễn trả lời câu hỏi thư nhất, vì nó rộng quá; vả lại, bây giờ mà phân tích khen chê về giáo dục Việt Nam Cọng Hòa của gần ba mươi năm trước để làm gì?  Tôi chỉ xin trả lời câu hỏi về học sinh Cường Để.  So với học sinh các trường trung học khác trong thành phố, tất nhiên học sinh Cường Để có nhiều ưu thế hơn.  Các bạn nhớ thời đó muốn vào Cường Để phải qua một kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất (sau đổi thành lớp Bảy), phải là học sinh giỏi ở các trường tiểu học mới đậu kỳ thi tuyển khó khăn này.  Ở đệ nhị cấp, nếu còn dư chỗ mới thi tuyển học sinh vào các lớp đệ tam (sau đổi thành lớp Mười), và phải đậu bán phần tú tài hạng cao mới xin được vào học lớp đệ nhất (tức lớp Mười Hai).  Trình độ học vấn đã cao, thêm giáo sư giỏi và điều kiện học hành thoải mái (mỗi lớp chỉ có 50 học sinh, so với sĩ số 100 đến 140 mỗi lớp ở các trường tư thục), kết quả là đa số học sinh Cường Để đều giỏi.  Thêm một số tác động thuận lợi nữa từ xã hội: Chiến tranh bắt buộc học sinh phải chăm chỉ vì hễ ở lại lớp là ngay lập tức phải vào quân trường; và tại một tỉnh thời nào cũng yếu thế về chính trị, con đường tiến thân duy nhất của thanh niên là con đường học vấn.  Chính nhờ học vấn mà giới trẻ Bình Định dần dần nắm được nhũng vai trò quan trọng trong guồng máy chính quyền đương thời, chỉ tiếc là thời gian quá ngắn chưa đủ để người Bình Định có được những người trẻ có năng lực điều khiển ở mọi ngành.

5)   Tôi thấy phong trào vận động thành lập các hội ái hữu cựu học sinh các trường (trung và đại học) trở nên sâu rộng trong vài năm gần đây.  Ban đầu là một nhu cầu các trường lớn cấp trung ương nhu Chu Văn An, Pétrus Ký, Quốc Học, Đồng Khánh, sau đó xuống các trường tỉnh.  Đó là một nhu cầu hợp đoàn tự nhiên, nhu cầu càng trở nên cấp thiết đối với các di dân lập nghiệp ở xứ người.  Cựu học sinh Cường Để (tên trường chỉ có trong thời gian từ 1955-1975) nay nhỏ nhất cũng phải trên ba mươi, nhiều nhất là khoảng tuổi bốn mươi, lứa tuổi năng động hiện là nòng cốt của mọi sinh hoạt của cộng đồng người Việt hải ngoại.  Tôi cho là phong trào thành lập các hội ái hữu cựu học sinh là kết quả sự phân hóa chia rẽ hiện nay đang xảy ra cho các hội đoàn, đảng phái, phong trào đã hình thành vì nhu cầu chính trị.  Khi người ta không thể đồng thuận với nhau về một số nhận định và phương cách hoạt động chính trị, người ta tìm một mẫu số chung ít tạo mâu thuẫn nhất, là “trường xưa bạn cũ”.  Cho nên theo tôi nghĩ, muốn hội ái hữu cựu học sinh Cường Để khắp nơi thành hình và duy trì sinh hoạt được lâu dài, điều nên tránh là đem chính trị vào chương trình sinh hoạt.  Nên giới hạn hoạt động trong hai chữ “ái hữu” và trong không gian hạn hẹp là địa phương cư ngụ.  Xin lấy một ví dụ: Giả sử trong một cuộc họp mặt, có một bạn cựu học sinh Cường Để tường thuật chuyến về thăm quê hương của mình, rồi đề nghị góp tiền xây thư viện cho trường cũ ở Việt Nam (nay đã đổi tên khác).  Thế là nổ ra một cuộc tranh luận chính trị về chuyện nên về Việt Nam hay không nên vê?  Góp tiền xây thư viện thì tiền có chui vào túi cán bộ cọng sản hay không?  Xây thư viện để chứa toàn sách tuyên truyền cho cọng sản thì việc góp tiền phỏng có ích gì; nếu vừa xây thư viện vừa mua sách gửi về bỏ vào thư viện thì chính quyền cọng sản có cho phép không, và nếu mua thì loại sách gì, ai có thẩm quyền chọn sách v.v…  Bấy giờ, hội sẽ chia làm hai, tả và hữu, và lại có chuyện chụp mũ, rỉ tai… y như tình trạng phân hóa của các hội đoàn chính trị.  Có thể tôi hơi bi quan hay quá lo xa, nhưng nếu tránh được những điều đáng buồn có thể xảy ra, thì vẫn hơn.

Tôi xin dành lời cuối cùng để gừi lời vấn an các bạn đồng nghiệp đã từng dạy ở trường Cường Để, và các bạn cựu học sinh.  Chúc các bạn thành công

Nguyễn Mộng Giác
1998

   Số lần đọc: 4656

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây