Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Góp Ý Về Một Cách Nhìn

Bài này đăng trên Văn Học số 59&60, tháng 1&2/199, sau xuất hiện trong tập tiểu luận Nghĩ về văn học hải ngoại do Văn Mới xuất bản năm 2004 tại California, USA.

Thông thường vào dịp cuối năm, những nhà phê bình muốn kiểm điểm tổng luận sinh hoạt văn học trong năm qua vẫn thường căn cứ vào số sách được xuất bản trong năm để liệt kê, phân loại và đưa ra một lời giải thích. Nhìn về lâu về dài, phương pháp đó có nhiều điểm khiên cưỡng, vì không bao giờ một sinh hoạt văn học lại chịu đóng khuôn ngay ngắn trong giới hạn một năm. Tuy khiên cưỡng, nhưng người ta vẫn làm, vì cần thiết. Không có những dấu mốc ấy, cả người ngoài cuộc lẫn người trong cuộc của sinh hoạt văn học không còn cơ hội nào nữa để biết hiện mình đang ở đâu, đã làm được gì và sẽ nên làm những gì.

Theo tôi, thước đo của sinh hoạt văn học không ở tình hình xuất bản mà ở tình trạng các tạp chí văn chương. Tạp chí văn chương phản ánh đúng đắn trình độ và tâm cảm của người viết và người đọc đương thời, vào lúc đang thành hình, vào lúc tác giả đang trên đường đi tìm phương cách thích hợp nhất để thể hiện khả năng và bản ngã của mình. Trong lúc việc xuất bản đòi hỏi những điều kiện khó khăn, vô tình gạt ra ngoài những tài năng mới, thì tạp chí văn chương sẵn sàng giới thiệu những tiếng nói mới, độc đáo, đầy tính chất khai phá (chưa kể sự cộng tác thường xuyên của những cây bút đã thành danh, đã ổn định). Nhờ khả năng dung hợp rộng rãi đó, qua tạp chí văn chương, chúng ta có thể ghi nhận được những khuynh hướng mới sắp thành hình, song song với những khuynh hướng cũ đang tàn phai. Cuộc sinh hóa hiện lên trung thực qua thăng trầm của tạp chí văn chương, do, khác với tình trạng xuất bản, tạp chí văn chương phản ánh trực tiếp và đều đặn (vì báo ra định kỳ) tâm trạng của người viết.

Nếu tạm công nhận phương cách nhận định và tổng quan nêu trên để kiểm điểm lại tình hình sáng tác qua các tạp chí văn chương ở hải ngoại, chúng ta phải buồn lòng nhận rằng trong vòng hai ba năm gần đây, đà hào hứng sang tạo văn chương của thời gian trước đó không còn nữa.

Cứ thử dở lại những tạp chí văn chương như Văn, Văn Học, Làng Văn, Nhân Văn những năm 1985, 1986, 1987 để so sánh với mấy năm gần đây, chúng ta sẽ thấy điều ấy rất rõ. Hồi đó, sức sáng tác của những nhà văn cũ từng thành danh ở Miền Nam trước 1975 lẫn những nhà văn mới cầm bút ở hải ngoại đều dồi dào. Tình hình xuất bản tuy chưa ổn định như hiện nay, nhưng trên tạp chí văn chương, rõ ràng nhiệt tình tràn đầy trên từng trang giấy. Sau một thời gian chết lịm tuyệt vọng vì cảnh lưu vong bất ngờ, dường như những người cầm bút tìm lại được một niềm tin, một sinh lực. Từ tâm trạng hoài niệm đau đớn, lớp thuyền nhân mới mang qua hải ngoại những kinh nghiệm mới, những cảm thức mới. Quê hương không còn là những tấm ảnh kỷ niệm cũ. Quê hương hiện ra trong văn chương rõ nét hơn với những tù ngục, đày đọa, khóc cười, máu, nước mắt, thế thái nhân tình diễn ra từ ngày Cộng sản thôn tính Miền Nam. Cuộc sống lưu vong mang một ý nghĩa mới, khuynh hướng đấu tranh thành hình, mang nhiều lửa nhiệt tình vào từng câu văn, câu thơ. Xin giở lại những số Nhân Văn trong thời kỳ ấy. Nếu không có một thứ lửa nóng nồng nhiệt và niềm tin cao độ, Tưởng Năng Tiến, Võ Hoàng, Bắc Phong không thể viết được những bài phóng bút, những truyện ngắn, những vần thơ như vậy. Ngay trên những tạp chí văn chương ít dấn thân vào các hoạt động chính trị (như tờ Nhân Văn), trên Văn, Làng Văn, Văn Học, những tạp chí văn chương chấp nhận đăng tải văn thơ theo tiêu chuẩn rộng rãi hơn, chúng ta vẫn thấy chung chung một không khí hào hứng, nhiệt tình. Một số đông đảo những cây bút mới xuất hiện vào thời kỳ này, và cho đến nay, những truyện ngắn, những bài thơ hay nhất của họ vẫn là những tác phẩm họ viết hồi đó. Trong vòng có ba bốn năm, một nền văn học định hình, trưởng thành, với đầy đủ tác giả, tác phẩm, khuynh hươớng, thể loại, một nền văn học mà người Việt hải ngoại có quyền hãnh diện vì chứng tỏ được sức mạnh của tự do tư tưởng.

Nhưng hình như từ 1988 tới nay, đà hào hứng đó bị khựng lại. Các tác giả mới (ở đây chỉ đề cập đến những cây bút có khả năng sáng tạo đến được một mức nào đó) xuất hiện hằng năm ít hơn. Những vị chủ bút các tạp chí văn chương nhận được ít bài hơn, trình độ nghệ thuật ở các truyện ngắn, bài thơ được đăng tải trên tạp chí văn chương thua kém hơn trước. Những tác giả đã thành danh từ trước 1975 hoặc mới thành danh trong giai đoạn 1984-1987 cũng viết ít lại, hoặc viết kém hơn trước. Nếu hiện tượng ấy chỉ xảy ra cho một vài người, chúng ta có thể giải thích rằng người viết đó đã cạn nguồn cảm hứng hay đã tận dụng kinh nghiệm bản thân nên không còn viết được nữa. Hoặc người viết đo không qua được thử thách khó khăn nhất của đời cầm bút, là chuyển từ cảm hứng chủ quan sang cảm hứng khách quan, chuyển từ đề tài viết về cái “tôi” sang những đề tài “chúng ta” đòi hỏi nhiều hơn óc quan sát và kiến thức.

Nhưng khi tình trạng nhẩn nha cầm chừng hoặc uể oải thụt lùi xảy ra chung cho cả một sinh hoạt văn học, và kéo dài khá lâu, thì chúng ta phải tìm cho ra đâu là nguyên do.

Theo tôi, nguyên do chính là mãi cho đến nay, người cầm bút hải ngoại vẫn còn mang nặng mặc cảm đối với quê hương, và mặc cảm đó biến thái từ cực đoan này tới cực đoan khác, lúc là mặc cảm tự ti, lúc là mặc cảm tự tôn.

Ðối với đợt tị nạn đầu tiên rời bỏ quê hương ngay sau khi Sài Gòn thất thủ thì suốt ba, bốn năm lưu vong đầu tiên, mọi người đều mang mặc cảm thất bại, lơ láo, bơ vơ, nghĩ không còn tương lai nào khác hơn là “sống nhờ đất khách thác chôn quê người”, đời mình coi như bỏ đi, còn đời con cháu thì chìm mất tăm vào xã hội mới, mất gốc đứt rễ không còn gì đáng nói nữa.

Những đợt thuyền nhân vượt biển ồ ạt đặt chân lên bến bờ tự do từ 1979 trở về sau, mang theo tin tức về một quê hương nghèo đói, đoạ đày, khốn cùng dưới chế độ cộng sản, đã thay đổi hẳn tâm cảm của người cầm bút. Rõ rang mọi người tìm lại được lẽ sống, tìm lại được niềm tin. Cuộc đời mình, khả năng sáng tạo của mình, không còn vô nghĩa vô ích nữa. Từ tự ti, người cầm bút có mặc cảm tự tôn. Người ta bàn luận, nói nhiều về sứ mệnh, về trách nhiệm của người cầm bút trước hiện tình đất nước. Sự hào hứng nhiệt tình của những năm 1984, 1985, 1986, 1987 trong sinh hoạt văn học hải ngoại xuất phát từ mặc cảm tự tôn này. Rõ nhất là khuynh hướng văn nghệ tranh đấu. Người ta nói nhiều tới mặt trận văn hóa văn nghệ, tiến xa hơn nữa, người ta còn muốn mỗi văn nghệ sĩ là một cán bộ tuyên vận. Những tác phẩm và tác giả nổi bật nhất của giai đoạn này đều có một nét chung: là tố cáo chính sách và hành động phi nhân của chính quyền cộng sản, và mơ ước một cuộc giải phóng. Phần tố cáo đạt được tiêu chuẩn nghệ thuật cao nhờ dựa vào những kinh nghiệm thực tế, còn phần dự tưởng tương lai thì tùy từng tác giả, khi rõ nét khi chỉ là hy vọng chung chung, mơ hồ.

Mặc cảm tự tôn cũng biến đổi cả các cảm hứng văn học khác, như khuynh hướng hoài niệm và khuynh hướng hội nhập. Từ những lời thơ hoài cổ thống thiết tuyệt vọng, văn chương hoài niệm thời kỳ sau biến thành những cuốn tiểu thuyết phong tục mô tả lại quê hương vào thời còn thanh bình thịnh vượng. Cung cách hội nhập vào đời sống mới nơi xứ người cũng tự tín hơn, không rụt rè lơ láo như trước.

Nhưng dần dà niềm tự tin lạc quan ấy bị nhiều thử thách lớn lao.

Sự phân hóa rồi suy yếu của một tổ chức đấu tranh lớn ở hải ngoại là thử thách đầu tiên, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các tổ chức khác. Những căn cứ địa, mật khu từng làm nức lòng nhiều người, thực sự không đúng như mọi người mơ ước. Hai chữ “giải phóng” (theo cái nghĩa thông thường là dùng lực lượng quân sự lật đổ chế độ cộng sản tại quê nhà để tái lập tự do dân chủ) càng ngày càng ít được nhắc tới hơn. Những bài thơ đấu tranh đầy nhiệt tình thời trước tuy vẫn còn xuất hiện đây đó trên các tờ báo đấu tranh của các tổ chức chính trị, nhưng bàng bạc lẩn khuất đằng sau ngôn ngữ, vẫn có cái gì gượng gạo ngập ngừng.

Thử thách thứ hai không kém quan trọng là trong mấy năm gần đây, sự giao lưu tin tức và sách báo giữa hải ngoại và quốc nội chẳng những dễ dàng hơn trước, mà còn cập nhật nữa. Hằng tuần nếu có hàng nghìn người từ Việt Nam ra hải ngoại mang theo những tin quê nhà mới nhất, thì đồng thời cũng có hàng nghìn người từ hải ngoại về thăm quê hương, tận mắt chứng kiến thực trạng nơi chôn nhau cắt rốn. Theo hành lý của kẻ đi người về là những tờ báo, những cuốn sách, những băng nhạc, bất chấp những cấm đoán và những tờ tuyên cáo. Ðời sống tự nhiên, rõ ràng vượt qua những rào cản của chính trị giai đoạn. Trong lúc các đoàn thể chính trị có thêm những dữ kiện mới để vạch lại chủ trương chính sách, thì giới cầm bút hải ngoại cũng phải đối diện với một thực tế mới: đó là thử thách của sách báo văn nghệ phẩm phát hành từ quốc nội, theo chân người đi người về, hiện có mặt tại đây.

Nhiều người (kể cả một số người cầm bút) e ngại phải đối đầu với thử thách này, quay mặt làm ngơ, coi như không cần phải quan tâm tới “sách báo cộng sản”. Nhiều người khác, quên mất khả năng quyền lực của người ăn nhờ ở đậu, đòi cấm đoán, tịch thu, đốt sách… Tuyên ngôn tuyên cáo ra đã nhiều, tranh luận đả kích nhau bằng lời nói chữ viết đã lắm, nhưng nói gì thì nói, giới cầm bút hải ngoại vẫn không thể không đối diện với thử thách này. Thử thách về sức thuyết phục người đọc, thử thách về giá trị tác phẩm. Tôi cho rằng chính thử thách này khiến nhiều người cầm bút khựng lại.

Thật vậy, khi quê hương “nghìn trùng xa cách”, không còn hy vọng có ngày về thì văn chương hoài cổ và tiểu thuyết phong tục mới là nhu cầu tinh thần cho cả người viết lẫn người đọc. Bây giờ, khi thế giới cộng sản sụp đổ từng ngày, khi về thăm quê hương không còn là một việc thiên nan vạn nan nữa, thì kỷ niệm, quá khứ không còn là thứ gia bảo phải trân trọng giữ gìn.

Hy vọng hồi hương cũng ảnh hưởng đến khuynh hướng hội nhập. Khi người ta nghĩ mình phải “sống nhờ đất khách thác chôn quê người” thì mới quan tâm đến cảnh sống lơ láo và cố gắng thích nghi. Bây giờ, việc gì phải băn khoăn chuyện phải đối phó với cảnh lạ người lạ, khi cuộc sống hiện tại chỉ là tạm bợ. Người ta đã hy vọng trở về thì tất nhiên có cái thoải mái vô tư của người tạm trú.

Thử thách này cũng ảnh hưởng đến cả khuynh hướng văn chương đấu tranh, đặt mục tiêu sáng tác là tố cáo chế độ cộng sản và phục hồi chế độ tự do dân chủ.

Dù người cầm bút có nhìn nhận công khai hay không, mọi người đều tìm đọc tác phẩm quốc nội và ngầm so sánh những tác phẩm đó với tác phẩm của mình. Ngay cả những người lên tiếng đòi bài trừ cấm đoán đốt xé sách báo cộng sản cũng tìm đọc loại sách báo đo nhiều và kỹ hơn ai hết, vì phải tìm hiểu rõ kẻ thù. Và khi đã tìm hiểu, so sánh, đối chiếu, rất nhiều trường hợp người viết chùn tay e ngại vì nhận ra rằng mình không am tường và “sống” với thực tế hiện trạng Việt Nam bằng các tác giả quốc nội. Thành phần độc giả cũng thay đổi. Số người đọc mới ở Việt Nam qua nhiều hơn, họ am tường thực trạng Việt Nam ngày nay hơn đa số những người cầm bút xa quê hương đã lâu. Mô phỏng, phỏng đoán, cường điệu, tưởng tượng để viết về một thực tế nhiều người biết trở nên gay go nguy hiểm. Chùn tay, khựng lại cũng phải. Khó có nhà văn hải ngoại nào mô tả được sự sa đọa về nhân tính, sự suy đồi về xã hội dưới chế độ cộng sản rốt ráo tận cùng cho bằng Thế Giang, Nguyễn Huy Thiệp. Cái giá của máu và nước mắt không thể mua được bằng tưởng tượng và mô phỏng. Phải trả bằng chính cuộc sống đày đọa dưới chế độ đó như Thế Giang, Nguyễn Huy Thiệp, mới viết được những truyện ngắn như vậy.

Nhưng có thật vốn sống là một trở ngại lớn lao cho việc sáng tác văn chương ở hải ngoại không?

Tôi nghĩ vấn đề không đơn giản đến độ đó. Với nhiều tài năng, vốn sống chỉ là điều kiện phụ. Có những người được thiên phú một trí tưởng tượng xuất chúng đến nỗi kinh nghiệm sống chỉ là cái cớ để tác giả dẫn người đọc vào một thế giới huyền nhiệm nào đó cao hơn, thăng hoa lên trên cuộc sống.

Hơn nữa, ai dám bảo những người cầm bút hải ngoại không có vốn sống? Cuộc đời mỗi người, trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, rồi cuộc vượt thoát khỏi quê hương để bắt đầu một cuộc sống mới, thật không khác gì một cuốn tiểu thuyết mạo hiểm phiêu lưu. Những điều tai nghe mắt thấy, những sách báo đã đọc, những nếp sống phong tục của các dân tộc được tiếp xúc, những kho tài liệu đa dạng và phong phú về đủ mọi vấn đề… đã mở rộng tầm mắt và kiến thức cho người cầm bút hải ngoại, một điều mà những đồng nghiệp ở trong nước không có. Cùng một dữ kiện thời sự, chẳng hạn bức tường phân chia thành phố Bá linh được phá bỏ, người viết ở quốc nội chỉ được phép biết tới một số lượng thông tin hạn chế, trong khi người viết hải ngoại được đọc nhiều nguồn tin khác nhau, được nghe những bài bình luận từ nhiều quan điểm, nếu cần có thể đến tận Bá linh nhìn ngắm dấu vết bức tường ô nhục và niềm hăm hở của dân tộc Ðức. Trong khi giới cầm bút ở quốc nội dồn hết trí tuệ và tài năng để sinh tồn, hoặc bạo dạn hơn, để giữ được lương tâm cầm bút mà không bị guồng máy độc tài tiêu diệt, thì người cầm bút hải ngoại được an toàn tìm hiểu sự thật, so sánh đối chiếu để thoải mái tự chọn cho mình một nhận định, một quan điểm. Trong khi một nhà văn ở quốc nội liều lĩnh dồn hết ý chí và tài năng để hạ cho được một tên bí thư huyện ủy, một chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, thì đồng nghiệp của anh ta ở hải ngoại – nếu chịu khó một chút – có thể biết sau khi một chính quyền cộng sản độc tài sụp đổ thì những gì sẽ xảy ra về phương diện trị an, xã hội, kinh tế, văn học… suy ra từ kinh nghiệm các nước Ðông Âu hoặc Nicaragua. Trong khi một người trong nước bận tâm về những vấn đề cấp thiết trước mắt, đồng bào của anh ở hải ngoại có thể tiên đoán được một khi chế độ độc tài sụp đổ ( như ở Ðông Âu), đất nước còn phải trải qua một giai đoạn chuyển tiếp đầy trăn trở và gian nan, vì định luật kinh tế không hề có phép lạ khi hệ thống kinh tế chỉ huy phải nhường chỗ cho kinh tế thị trường, chưa kể những ân oán chồng chất suốt bao nhiêu năm đến lúc phải giải quyết theo hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia.

Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc là mãi cho tới nay, giới cầm bút hải ngoại không nhận ra ưu thế đặc biệt của mình so với các đồng nghiệp trong nước. Thay vì tận dụng kho kiến thức tài liệu vô tận và tầm nhìn rộng, gần như mọi người thu mình trong sinh hoạt của một cộng đồng địa phương, của một phe nhóm, thậm chí của một đường phố. Mỗi người tự tạo quanh mình một thứ ghetto nào đó, đến nỗi, qua các cuộc tranh luận, chúng ta thấy cách tranh cãi bộc lộ những nhân cách và quan điểm còn hẹp hòi thô thiển hơn cả thời Việt Nam Cộng Hoà trước 1975. Ðiều đáng báo động là những trò chụp mũ, ngụy tạo tin tức để hạ đối thủ, xưa nay chỉ thấy trong hạ sách đấu tranh chính trị, gần đây đã xâm nhập vào các tạp chí văn chương, trong khi cả nhân loại đêù thấy rõ rằng các hạ sách ấy là nguyên nhân tạo nên cuộc sụp đổ nhanh chóng của thế giới cộng sản. Chúng ta co rút lại, không muốn nhìn ra thế giới bên ngoài, bàng quan thờ ơ với các trào lưu tư tưởng hiện đại, từ đó mà tự ti hay tự tôn một cách quá đáng.

Không! Chúng ta không có gì phải tự ti mặc cảm đối với những người còn ở lại trong nước, và ngược lại, cũng không có gì đáng để tự cao tự đại. Số phận của đất nước, hoàn cảnh cá nhân đày đọa mỗi người định cư và chịu những ràng buộc xã hội khác nhau. Giá trị của từng cá nhân là phần đóng góp của người đó cho dân tộc và nhân loại, không phải căn cứ vào yếu tố địa lý. Và phần đóng góp này đôi lúc không dựa trên thành bại, mà còn dựa vào nhân cách, vì một nhân cách xứng đáng sẽ ảnh hưởng lên nhân quần và thế hệ tiếp nối. Trong một thế giới đang biến chuyển dữ dội từng ngày, ở vào hoàn cảnh thuận lợi để có tầm nhìn rộng, chúng ta lại từng ngày thu hẹp tầm nhìn của mình. Chúng ta không tận dụng sở trường, mà xông vào những sở đoản. Tôi cho đó là nguyên nhân sâu xa của tình trạng nhẩn nha trì trệ của sinh hoạt văn học ở hải ngoại hiện nay.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 4208

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây