Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTưởng nhớ Nguyễn Mộng GiácĐiếu VănKính Nhớ Bạn Hiền Nguyễn Mộng Giác

Kính Nhớ Bạn Hiền Nguyễn Mộng Giác

Bài này do Thầy Hà Thúc Hoan viết và đọc trong buổi Lễ Cầu Siêu tại chùa Già Lam ngày 8.7.2012 và được trong tang lễ ngày 8.7.2012.

Anh Giác thân quý,

Buổi học đầu tiên của lớp Việt Hán năm thứ nhất ĐHSP Huế niên khóa 1960 – 1961 chỉ có tám sinh viên. Ngồi ở hàng ghế đầu gần hai người bạn cũ đã quen biết trong lớp Dự bị Văn khoa năm học trước, tôi xoay người nhìn năm người bạn mới ở dãy ghế phía sau và bắt gặp nụ cười thân thiện, cởi mở của Anh. Ba năm học chung ở Đại học Sư phạm và Văn khoa Huế, cũng như những lần họp mặt trước và sau năm 1975, dù thời thế và cuộc đời đã có nhiều đổi thay, nụ cười hiền lành ấy vẫn nở trên môi Anh. Sáng ngày 2 tháng 7 năm 2012 vừa qua, tại phố Westminster, quận Cam, bang California nước Mỹ, nụ cười khả ái ấy đã tắt …

Thầy Hà Thúc Hoan đọc bài điếu văn này trong buỗi lễ cầu siêu sáng 8.7.2012 ở chùa Già Lam, Sài Gòn

Anh Giác thân yêu,

Anh sinh ngày 4 tháng 1 năm 1940, chỉ trước tôi 12 ngày, nhưng trong học tập và công việc, Anh đã đi trước tôi một đoạn đường dài . Từ năm thứ nhất đến năm thứ ba ĐHSP, và cả trong kỳ thi tốt nghiệp, Anh luôn luôn đứng đầu lớp, còn tôi thì mãi hoài theo sau ở vị trí thứ hai. Kết thúc học trình ba năm, trong khi tôi mới viết xong bản nháp luận văn tốt nghiệp thì Anh đã hoàn thành mỹ mãn luận văn ấy với đề tài Tình và đạo trong thơ Hàn Mặc Tử. Làm đặc san tốt nghiệp Gìn vàng giữ ngọc, tôi góp một bài báo ngắn thì Anh sáng tác hai bài viết dài, rồi âm thầm và công tâm hoàn tất nhiệm vụ của chủ nhiệm, chủ bút kiêm thư ký tòa soạn để báo ra mắt độc giả đúng thời hạn. Từ ngày ra trường cho đến khi nghỉ dạy, hơn 40 năm, tôi chỉ hoạt động trong lãnh vực giáo dục với nhiệm vụ của một thầy giáo đứng lớp. Anh thì trái lại, chỉ trong hơn 10 năm, đã kinh qua nhiều chức vụ như giáo sư Trường Đồng Khánh (Huế), hiệu trưởng Trường Cường Để (Qui Nhơn), chánh Sở giáo dục Bình Định, chuyên viên nghiên cứu của Bộ giáo dục (Sài Gòn).

Nhưng đặc sắc nhất, đáng khâm phục nhất là sự nghiệp văn chương của Anh. Ở quốc nội, từ năm 1971, Anh đã gởi bài đăng báo Bách khoa. Đến tháng 4 năm 1975, Anh đã có năm tác phẩm được xuất bản. Tại hải ngoại, từ năm 1981, Anh hoàn thành tám tác phẩm dài, đó là chưa kể hơn 40 bài báo Anh chấp bút trong tám năm làm chủ bút tạp chí Văn học ở bang California nước Mỹ. Trong mấy ngày gần đây, trên các trang mạng, nhiều tác giả đã nói đến tài năng của nhà văn Nguyễn Mộng Giác thể hiện qua hai tác phẩm lớn là Sông Côn mùa lũMùa biển động. Gặp nhau ở Sài Gòn sau ngày đất nước thống nhất, tôi được Anh cho xem mấy tập bản thảo dày cộm  Sông Côn mùa lũ thực hiện bằng chữ viết tay đều đặn, trên những trang giấy có kẻ hàng dành cho học sinh làm bài trong phòng thi. Anh viết trường thiên tiểu thuyết lịch sử này suốt năm năm, bắt đầu từ năm 1977, trong khi hàng ngày phải lao động giản đơn để sống qua ngày tại tổ hợp mỳ sợi Dân Sinh ở Phú Lâm. Tác phẩm này viết về người anh hùng áo vải đất Tây Sơn quê Anh, gồm bốn tập ( sau gom thành hai), dày 2000 trang, được các nhà xuất bản trong và ngoài nước tái bản nhiều lần, và đã được hãng phim TFS (Đài truyền hình TP.HCM) mua bản quyền để thực hiện thành phim truyền hình nhiều tập. Bắt đầu từ năm 1981, suốt tám năm tha hương làm việc vất vả để kiếm sống ở nước ngoài, Anh chắt chiu thì giờ để viết và hoàn thành bốn tập Mùa biển động dày 1800 trang. Viết một bài báo ngắn, tôi phải mất nhiều thời gian và chịu nhiều lao tâm tổn trí. Phải có bút lực khác thường và văn tài đặc biệt Anh mới xây đựng được sự nghiệp văn chương đồ sộ như vậy.

Anh Giác thân mến,

Ra trường năm 1963, được ưu tiên chọn nhiệm sở theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp, Anh chọn Trường Đồng Khánh ( Huế), tôi chọn Trường Cường Để (Qui Nhơn), với lời hẹn sau hai năm sẽ làm đơn xin hoán đổi để trở về làm việc trên quê nhà của mình. Ở Huế và Qui Nhơn, qua những giờ Việt văn, chúng ta đã nhiều lần bình giảng thơ Khóc bạn của Nguyễn Khuyến : 

“Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.”

Người đời thường mua rượu uống giải sầu khi bạn thân đã mất. Nguyễn Khuyến thì trái lại, dù có tiền, dù có rượu ngon, vẫn không mua rượu uống khi hay tin bạn hiền là Dương Khuê đã qua đời. Lý do là vì không có bạn hiền thì rượu nồng đã hóa nhạt. Phải có bạn tâm giao để đối ẩm thì người ta mới có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị của rượu nồng:

“Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.”

Tình bạn vì thế, là vị nồng của rượu, là vị ngọt của đời. Tình bạn làm cho cuộc đời quán trọ trở thành quê nhà yêu dấu. Thật là hạnh phúc cho những ai sống trong cõi người ta nhiều bon chen, giả dối, tráo trở này mà có được một tình bạn cao đẹp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như thế! 

Anh Giác kính yêu,

Mãi cho đến hôm nay tôi mới biết Anh đã quy y Phật để có pháp danh là Thiền Ngộ. Ngày trước Anh đã vượt qua đoạn đường dài để đi từ Mộng đến Giác thì nay giữa Giác và Ngộ có chi khác biệt, xa xôi, cách trở. Và khi đã Ngộ đạo Thiền thì tiền tài, danh vọng trở thành bèo bọt, phù du, thời hạn trăm năm của đời người chỉ còn là một chớp mắt của thiên thu bất tuyệt : “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô”.  Nhận biết đời người chung cuộc “không vẫn hoàn không” thì người trí mới có quyết tâm tìm đường giải thoát để vượt qua hoàn cảnh giới hạn của thân phận con người. Tôi nghĩ Anh đã có cách vượt thoát ấy. Đó là hàng ngàn trang sách đầy tâm huyết mà Anh đã để lại cho đời : “Văn chương chi sự thốn tâm thiên cổ”. Đó là nụ cười biểu hiện tình bạn thân thiết, trong sáng mà Anh đã trao tặng cho người mỗi lần gặp mặt. Cho nên, đối vói Anh, không cần phải vận dụng đến triết lý duyên khởi tôi cũng có thể khẳng định rằng cái chết không phải là sự kết thúc. Và nụ cười đã tắt trên môi Anh còn nở mãi trong thế giới tâm hồn của nhiều thân nhân và bằng hữu xa gần của Anh. Với suy nghĩ ấy, xin được kết thúc bài văn khóc bạn này bằng lời ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn : “Người chết nối linh thiêng vào đời. Và nụ cười nối trên môi.

Cung kính bái biệt nhà giáo, nhà văn, người bạn hiền Nguyễn Mộng Giác !

Chùa Già Lam, ngày 8 tháng 7 năm 2012
Hà Thúc Hoan

 

   Số lần đọc: 4934

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây