Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Một Người Anh

Tin nhắn của Mỹ: Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác đã qua đời lúc 12 giờ trưa( giờ VN) ngày 3.7.2012.Tôi sửng sốt.Anh ra đi thật rồi sao? Anh bỏ chị Chi và mấy cháu thật rồi sao ? Tôi cố gắng để không muốn điều ấy.Nhưng đó là sự thật.Người thắt lòng trước nỗi mất mát lớn lao này là chị Chi và các cháu.Sau nữa là bạn bè thân quen của anh-trong đó có tôi.Lúc này, những năm tháng không thể nào quên như một cuộn phim quay chậm lại trong tôi.

Tôi và anh Nguyễn Mộng Giác đã biết và đọc của nhau trên các tạp chí Văn chương ở SàiGòn từ năm 1971 nhưng mãi đến năm 1973 tôi mới thật sự quen anh.

Năm 1973 tôi vào trường bộ binh Thủ Đức và anh Nguyễn Mộng Giác từ Quy Nhơn vào Sàigòn làm chuyên viên nghiên cứu bên Sở Giáo Dục.Vậy là chúng tôi có cơ hội và thường gặp nhau ở chỗ anh Lê Ngộ Châu, tạp chí Bách Khoa -tòa soạn nằm trên đường Phan Đình Phùng ( nay là đường Nguyễn Đình Chiểu).Sau đó,căn nhà của anh ở bên chân cầu Thị Nghè là nơi gặp gỡ, hội tụ của anh em văn nghệ.Hoàng Ngọc Tuấn và tôi gần như thường trực bởi anh Giác rất thương hai chúng tôi. Một người ( Tuấn) luôn mồ côi…tình yêu.Một người chuyên…lận đận! Chị Nguyễn Khoa Diệu Chi ( vợ anh Giác) là một người đàn bà Huế, rất Huế ( rất mực đảm đang, chung thủy ) và đặc biệt là độc giả đầu tiên của anh khi xong mỗi một trước tác.

Sau năm 1975, anh NMG cũng như tôi và một số bạn bè văn nghệ khác nào những cánh chim tan tác trong gió bão.Như thuyền nan nhỏ nhoi trước biển mênh mông sóng dữ. Đời chúng tôi bắt đầu vô định… Anh Giác đi cải tạo mấy năm sau đó về mở cơ sở sản xuất mì sợi.Tôi hóa thành kẻ ” bá nghệ” nhưng chẳng có nghề nào chắc chắn.Dù trăm cay đắng nhưng mỗi lần gặp nhau tôi và anh Giác vẫn khôn nguôi niềm đam mê: Viết và viết.Nơi căn nhà có gian hoa giấy trước sân ấy bên Thi Nghè đêm đêm anh vẫn cần mẫn như con ong cái kiến để thai nghén tác phẩm. Tôi làm thơ thì dễ, bất cứ nơi đâu ,bất cứ lúc nào có “phút linh” là có tác phẩm.Riêng Hoàng Ngọc Tuấn không còn viết truyện kiểu Hình Như Là Tình Yêu mà bạn đã chuyển sang viết tiểu phẩm, dịch và viết về Thể Thao, Bóng Đá để sống lây lất qua ngày.

Năm 1982 anh Giác vượt biển và định cư ở Hoa kỳ. Đọc tác phẩm MÙA BIỂN ĐỘNG mới thấy ngòi bút tài hoa của anh khắc họa chân dung những người liều lĩnh đánh đu với số phận.Chết và Sống tưởng như đùa.Từ khi anh đi tôi cứ tưởng khó mà gặp lại nhau.

Thế rồi năm 1995 anh lại về thăm Quê Nhà.Việc đầu tiên là anh ra Quy Nhơn.Sau đó vào Sài Gòn thăm bạn bè.Thật bất ngờ và cảm động khi ngồi trong một quán cà phê ở Thị Nghè anh nói “Mình ra đi vậy cũng không khá đâu.Nhưng nay về thăm, mình biếu cậu 100 USD , để làm gì Lữ biết không ? Cố gắng in tập thơ đầu tay đi.”

Nhờ “phát pháo đầu tiên” ấy mà bạn bè tôi góp thêm.Vậy là tập thơ Hát Dạo Bên Trời của tôi ra mắt bạn đọc cùng năm đó.

Từ đó về sau này nghe anh có về thăm quê hương đôi lần nữa. Tiếc là tôi không gặp nhưng lúc nào cũng nhớ anh.Một người thầy. Một nhà văn chân chính và tài hoa.Một tấm lòng luôn mở rộng khi biết yêu thương người như chính mình.Trong đời tôi gặp 2 người vừa là bạn vừa là anh mà tôi gọi là Bồ Tát. Đó là Đỗ Toàn( họa sĩ) và Nguyễn Mộng Giác( nhà văn).hai người này y chang nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.Ai có lỗi lầm chi cũng noái: “Thôi kệ”

Bạn bè, anh em cứ lần lượt ra đi. Đời sống cứ thưa dần… Nay thêm anh ra đi, làm sao tôi không tiếc nhớ? Một nén hương lòng xin gửi theo anh với lời cầu mong anh an nhiên nơi cõi vĩnh hằng.Anh Giác ơi!

Trần Dzạ Lữ
( SàiGòn tháng 7 năm 2012)

Nguồn: http://nthqn.org/index.php/ban-huu/87-tran-dza-lu/1759-mot-nguoi-anh

 

   Số lần đọc: 3208

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây